Bánh đậu xanh Hải Dương

Một trong những đặc sản Hải Dương không thể không kể đến bánh đậu xanh, món bánh ngọt với nguyên liệu giản dị mà hương vị đậm đà từ lâu là niềm tự hào của người dân tỉnh nhà.

Năm 2013, Bánh Đậu Xanh Hải Dương được tổ chức kỷ lục châu Á công bố xác lập kỷ lục về đặc sản quà tặng, nằm cạnh nhiều đặc sản vùng miền khác của Việt Nam như: Chè Thái Nguyên, Sâm Ngọc Linh, Quế Trà Bồng, cà phê Buôn Ma Thuột, bánh tráng Trảng Bàng, bánh phồng sữa dừa Bến Tre, tiêu Phú Quốc.


Câu chuyện bánh đậu xanh Rồng Vàng

Có chuyện kể lại rằng, một lần vua Bảo Đại qua trấn Hải Dương được nhân dân trong vùng dâng tặng món bánh làm từ đỗ xanh. Bánh có vị ngọt dịu, thơm, mịn, dùng với trà rất hợp được vua khen ngợi hết lời.

Vua Bảo Đại về cung, ban sắc lệnh khen bánh đậu xanh Hải Dương, trên sắc có in hình Rồng vàng – biểu tượng của triều đình. Kể từ đó bánh đậu xanh HD còn được gọi với tên “Rồng Vàng” để phân biệt với các loại bánh của tỉnh thành khác.

Bánh đậu xanh cùng chè Thái Nguyên khi thưởng thức cùng nhau mang đến hương vị đặc biệt, vị ngọt thanh của bánh tan chảy cùng vị chát, thơm của trà lan tỏa và đọng lại nơi đầu lưỡi thật khó quên.


Những nhãn hiệu bánh đậu xanh nổi tiếng Hải Dương xưa và nay

Đầu thế kỷ 20, bánh đậu xanh Hải Dương nổi tiếng có các nhãn hiệu như Bảo Hiên, Cự Hương, Mai Phương, Mai Hoa… với hình ảnh rồng nổi tiếng có mặt tại hầu khắp các tỉnh thành phía bắc, 4 lần tham gia hội chợ đều giành giải.

2 thương hiệu nổi tiếng nhất thời bấy giờ là Bảo Hiên và Cự Hương, vẫn còn in đậm trong tâm trí những người có tuổi về một thời vàng son của thế kỷ trước.

Chủ hiệu bánh Bảo Hiên là bà Nguyễn Thị Nhung, bà kế thừa truyền thống của gia đình, mở hiệu những năm 1922 khi chỉ mới đôi mươi. Mặc dù người chồng mất sớm để lại bà cùng đàn con nhỏ, bà vẫn một tay đảm đương cửa hiệu với trên 30 thợ.

Hàng ngày hiệu bánh Bảo Hiên sản xuất 2 ca, mỗi ca cho ra hàng tạ bánh. Lấy chữ tín làm đầu, sáng sáng khách hàng chỉ cần tới nhận hàng, ghi lại số lượng, tới chiều tối hoặc ngày hôm sau tới thanh toán. Nếu bánh không đạt tiêu chuẩn sẽ không bán ra mà hủy ngay để giữ chữ tín.

Nguyên liệu mỗi lần nhập hàng toa tàu đường kính (chở từ Tuy Hòa ra), đậu xanh được chở bằng thuyền từ Lục Nam xuống, mọi công việc từ giao dịch, quản lý, kế toán cho tới khâu kỹ thuật đều do một tay người phụ nữ tần tảo lo liệu. Bánh đậu xanh Bảo Hiên rồng vàng nhanh chóng trở thành thương hiệu lớn của tỉnh Đông.


Cùng thời kỳ này, một thương hiệu khác cũng khá nổi tiếng đó là hiệu bánh Cự Hương. Tuy sản xuất số lượng ít hơn nhưng bánh Cự Hương chất lượng đều rất tốt, có 2 loại là bánh ướt và bánh khô.

Trải qua những năm tháng chiến tranh, thị trường bánh đậu xanh dần thu hẹp, các thương hiệu dần nhường chỗ cho nhiều loại bánh đậu gia công đủ loại trên thị trường, hương vị và phẩm chất đều mai một.

Tuy nhiên từ năm 1986, với sự đổi mới của đất nước, nghề làm bánh đậu xanh dần được phục hồi và phát triển, hiện nay Hải Dương có trên dưới 50 nhãn hiệu bánh cả cũ và mới như: Bảo Hiên, Nguyên Hương, Minh Ngọc, Hòa An, Bảo Long, Quê Hương…



Một số thông tin về bánh đậu xanh:

Thành phần bánh đậu xanh từ xưa tới nay không thay đổi nhiều, gồm bột đậu xanh nguyên chất, đường trắng tinh luyện và dầu thực vật. Ngày nay, với công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất hợp vệ sinh, bánh làm xong có thể bảo quản tới 3 tháng.

Theo đông y, đậu xanh vị ngọt, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, giải độc… Bánh đậu xanh là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, phù hợp với nhiều lứa tuổi đặc biệt là người già và trẻ em. Có tác dụng giảm cholesterone, mỡ máu, phòng bệnh sơ cứng động mạch ở người cao tuổi…

Bánh bán chạy nhất vào dịp Tết đầu xuân, nhiều hiệu bánh vào dịp này không đủ hàng cung cấp ra thị trường.